Trừ ngoại thích họ Đậu Hán Hòa Đế

Hán Hòa Đế lên ngôi với tuổi đời còn rất nhỏ, Đậu thái hậu nghiễm nhiên trở thành Hoàng thái hậu nhiếp chính, cũng mở ra thời kỳ Thái hậu nhiếp chính trong suốt triều đại nhà Đông Hán.

Đậu Thái hậu ủy thác việc triều chính cho anh là Đậu Hiến (窦宪), ngoài ra còn Đậu Đốc (竇篤), Đậu Cảnh (竇景) và Đậu Côi (竇瑰) cũng được phong tước và tham gia vào triều đình. Nhà họ Đậu vốn là dòng dõi của Đậu Dung (竇融), một người cát cứ cuối thời nhà Tân đã về quy phục Hán Quang Vũ Đế và trở thành người thân với vua Hán.

Đậu Hiến cầm quyền trong triều, có công 2 lần đánh Hung Nô, giữ yên biên giới phía bắc. Nhưng Đậu Hiến tỏ ra chuyên quyền, phong cho mấy anh em cùng làm quan đại thần trong triều, em Hiến là Đậu Cảnh được phong là Chấp kim ngô tướng quân, cầm đầu lực lượng bảo vệ kinh thành. Họ Đậu thao túng triều đình, giết hại các công thần như Lưu Dương, Trí Thiện. Đối với dân chúng, họ Đậu cũng tùy ý bắt bớ, cướp của cải và vợ con, làm người dân khắp kinh thành Lạc Dương oán thán nhưng không ai dám làm gì[1].

Năm 92, Hòa đế đã 14 tuổi, nhận thức được những việc phi pháp của anh em họ Đậu. Ông quyết định ra tay trừ khử. Đậu Hiến cùng con rể là Quách Cử có ý định ám sát nhà vua, tuy nhiên âm mưu này bị phát giác[2].

Hán Hòa Đế bàn mưu với hoạn quan Trịnh Chúng ra tay trước. Ngày 23 tháng 6 năm đó (tức ngày 14 tháng 8, năm 92 theo dương lịch), nhân dịp Đậu Hiến đi đánh Hung Nô trở về triều, Trịnh Chúng mang quân bất ngờ tập kích, bắt hết anh em và thủ hạ họ Đậu. Đậu Hiến bị buộc phải tự sát. Đậu thái hậu phải rút lui khỏi chính trường, nhưng vẫn được đối xử thiện đãi như một Hoàng thái hậu.